Để giúp doanh nghiệp giảm thời gian thông quan, Cục Hải quan TP HCM đã tổ chức thêm 2 điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung thay vì 1 điểm như trước nhưng hiệu quả không như mong muốn
Ngày 4-4, Cục Hải quan TP HCM đã tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động của 2 điểm kiểm tra chuyên ngành (KTCN) tập trung tại cảng Cát Lái và khu vực sân bay Tân Sơn Nhất - Chuyển Phát Nhanh nhằm xác định những thuận lợi, khó khăn để đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp (DN). Trước đây, Cục Hải quan TP HCM chỉ có 1 điểm KTCN tại trung tâm TP.
Gây bức xúc cho DN
Theo báo cáo của Cục Hải quan TP HCM sau 2 tháng hoạt động, tại 2 điểm KTCN mới, việc đăng ký, lấy mẫu và kiểm tra đã giảm thời gian thông quan 2-3 ngày, trước khoảng 7 ngày. Tuy nhiên, ngoài những mặt hàng thuộc diện kiểm dịch động - thực vật như thực phẩm, quà biếu, các mặt hàng còn lại, số DN đến đây đăng ký KTCN còn thấp.
Hiện có tới 280 trường hợp KTCN quá hạn 30 ngày nhưng chưa bổ sung chứng thư theo quy định. Theo quy định, những trường hợp này đã vi phạm chính sách quản lý hải quan đối với hàng hóa đã được cho mang hàng về bảo quản, chờ kết quả KTCN.
Ông Trần Việt Huy, Giám đốc Công ty CP Vận tải và Dịch vụ hàng hải Trasas, cho biết: “Nguyên nhân DN chưa mặn mà với 2 điểm KTCN mới bởi tại đây không có bộ phận thu tiền, không xuất hóa đơn, buộc DN phải đi lại nhiều nơi mất thời gian. Theo tôi, cần có một “nhạc trưởng” để giải quyết toàn bộ thủ tục tại các điểm KTCN này nhằm tạo điều kiện cho DN được thông quan trong thời gian ngắn nhất”.
Anh Trương Duy Kha, đại diện Công ty Việt Hương (trụ sở ở quận Bình Thạnh, TP HCM), cho biết: “Công ty tôi kinh doanh mặt hàng hương liệu nhưng mỗi lần cơ quan chức năng kiểm tra thì mở cả lô hàng khiến hàng hóa dễ bị nhiễm vi sinh. Sau khi kiểm tra, hàng hóa bị hư hỏng thì ai chịu trách nhiệm, chưa kể việc tổn thất trong khi kiểm tra”.
Ngoài ra, việc chỉ có con dấu tại điểm KTCN đặt tại trung tâm TP nên sau khi kiểm tra ở 2 điểm mới, DN lại phải quay vào trung tâm để xác nhận. Bên cạnh đó, việc bố trí văn phòng KTCN tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất chưa phù hợp, DN ra vào cổng của Công ty CP Dịch vụ hàng hóa (SCSC) trong khu vực này không thuận tiện.
Cơ sở pháp lý còn nhiều bất cập
Những bất cập của hoạt động KTCN đã và đang gây phiền phức cho DN. Đại diện Công ty Choice Pro-Tech cho rằng: “Sau thời gian thí điểm cho thấy việc lập thêm điểm KTCN tập trung còn mang tính hình thức, chưa cải cách thực chất. Do vậy, chưa có đột phá trong công tác quản lý chuyên ngành. Cơ chế pháp lý còn nhiều bất cập, DN vẫn phải mất nhiều thời gian. Cụ thể, trước Tết, công ty tôi nhập rượu 12 con giáp nhưng mất hơn 2 tuần lưu container để kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau đó, hàng hóa về đến công ty thì đã cận Tết nên không thể bán, thiệt hại không nhỏ”.
Để rút ngắn thời gian thông quan, đại diện Cơ quan Thú y vùng VI đề xuất cần cụ thể hóa trách nhiệm kiểm tra cho từng khâu, quy định rõ thời gian lấy mẫu và trả kết quả KTCN.
Ông Phạm Viết Liên - Giám đốc Trung tâm Khảo, kiểm nghiệm và kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi (CABFT) - nhìn nhận: “Hiện nay, phạm vi mặt hàng phải KTCN quá rộng, một mặt hàng nhưng chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định, thuộc thẩm quyền của nhiều đơn vị trong một bộ hoặc của nhiều bộ. Chưa kể tỉ lệ kiểm tra quá mức cần thiết, trong khi theo kết quả kiểm tra, chỉ khoảng dưới 1% số trường hợp là không đạt yêu cầu. Ngoài ra, có những yêu cầu về quản lý chuyên ngành chỉ mang tính hình thức hoặc không thể thực hiện…”.
Ông Ngô Minh Thuấn, Phó Tổng Giám đốc Tân Cảng Sài Gòn, đề nghị: “Cần đổi mới hơn nữa thủ tục và cơ chế pháp lý khi thực hiện KTCN. Các ban ngành cần tích cực phối hợp với Hải quan TP HCM xây dựng cổng dữ liệu nhằm điện tử hóa trong lĩnh vực KTCN trong thời gian tới”.
Theo báo Người lao động.